Saturday, May 12, 2012

Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với Việt Nam

Trong những năm đầu công nguyên văn minh Ấn Độ cũng từng lan tỏa đến Việt Nam. Điển hình là sự xuất hiện trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, do sự đô hộ của Trung Quốc, người Việt bị nền văn minh Trung Hoa thống trị sâu sắc. Từ thế kỉ II-XV, văn hóa Champa đậm nét ảnh hưởng văn minh Ấn Độ.
Sự gặp gỡ của nền văn minh Trung Quốc và nền văn minh Ấn Độ thể hiện rõ ràng ở Việt Nam và Champa trong tổ chức đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.
Khi Việt Nam, từng bước thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc cũng là giai đoạn Champa đã đạt được nhiều thành tựu văn minh. Trước nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và khắc phục những gánh nặng do chính sách khai thác thời Bắc thuộc để lại Việt Nam đã kiến thiết lại đất nước. Các vương triều Việt Nam đã thi hành một chính sách thống nhất và liên tục. Đó là chính sách Nam tiến, đã từng bước đẩy lùi nền văn minh Ấn Độ ở Đông Nam Á mà Champa là một đại diện.
Có thể nói rằng, sự sụp đổ của nền văn minh Champa là sự sụp đổ của nền văn minh Ấn Độ trước nền văn minh Trung Hoa. Vương quốc Champa không còn tồn tại nữa, nhưng những giá trị đặc sắc nhất của văn minh Champa vẫn còn bảo tồn và được các tộc người hậu duệ Champa lưu truyền. Như các quốc gia cùng ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, các Stupa tức Bimon Kalan ( theo tiếng Chăm). Là ngôi đền thiên liêng của quốc gia thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn Độ như Brahma, Siva, Visnu, Ganesa, Nandin cùng các nhân thần. Ảnh hưởng về kĩ thuật xây dựng đền tháp như việc chọn các vật liệu có tính năng bền vững, các môtip, các hình thể tháp. Ví dụ : tháp Po Klong Garai ở thành phố Phan Rang. Bên cạnh một tháp chính còn có hai ngôi tháp phụ là nơi để dâng lễ có mái tháp hình yên ngựa hay mái thuyền biểu tượng của ngọn núi thiên liêng  Meru ở Ấn Độ.
Nét đặc sắc của đền tháp Champa là ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ nhưng vẫn có nét riêng, độc đáo chỉ thấy ở Champa. Có giống chăng là các tượng thần được thờ phượng trong các ngôi tháp. Còn điêu khắc của các đền tháp Champa, ngoài hình tượng ngọn lửa ở các góc tháp ( như hình tượng rồng chầu nguyệt ở các ngôi đình người Việt), có nhiều hình tượng trang trí rất sinh động, phổ biến hơn cả là những nét chạm khắc trực tiếp lên thân tháp quan cảnh sinh hoạt, múa hát trong cung đình của các vũ nữ Apsara, các nhân vật trong sử thi Mahabrata hay các thần hộ pháp.
Về tôn giáo, khi tiếp nhận Hindu giáo ở từ Ấn Độ và một thời gian lâu dài trở thành quốc giáo thống trị trong suốt lịch sử Champa. Hindu giáo trở thành hệ tư tưởng chính trị để quản lí đất nước. Quá trình tiếp biến Hindu giáo đã làm cho nó khác với chính quốc rất nhiều điểm. Như Champa không có sự phân chia đẳng cấp nghiêm khắc như Ấn Độ. Mặc nhiên, ở Champa xuất hiện nhiều bí ẩn, nghi lễ, nghi thức tôn giáo mới mà không hề tìm thấy ở Ấn Độ. Vì trước khi du nhập tôn giáo ở bên ngoài, Champa là một nước nông nghiệp. Bởi thế, họ gắn những nghi lễ nông nghiệp gắn vào niềm tin tôn giáo tạo ra nhiều nghi lễ mới trong quá trình thực hành nghi thức tôn giáo. Càng đặc sắc, khi dòng tư tưởng Islam giáo mới du nhập đã kết hợp, hòa lẫn với Bàlamôn tạo nên Bani giáo. Có lẽ rằng, trên thế giới chẳng có nơi nào mà hai ý thức hệ tư tưởng hòa lẫn vào nhau được như ở Champa. Các tôn giáo tồn tại song song với nhau. Đây là sự minh chứng cho tính dung hợp và khả năng tiếp biến những luồng văn hóa từ bên ngoài.
Về văn học, trước khi tiếp thu văn học Ấn Độ, văn học dân gian đã khá phát triển ở Champa  như thần thoại, cổ tích. Tiếp xúc với văn học Ấn Độ và sau là Malaysia đã làm cho nền văn học bác học Champa phát triển. Thể loại văn học này, thể hiện qua các bài minh văn, các bài xướng ca, các câu thần chú được ghi trên bia đá.
Sự ảnh hưởng của văn học Ấn Độ rõ nét nhất là bộ sử thi Mahabrarata và Ramayana, sự đứt đoạn, mất liên hệ qua lại cũng làm phai mờ sức truyền bá văn học  Ấn Độ. Về sau văn học Champa tiếp xúc qua con đường Mã Lai đã đưa văn học Champa đạt nhiều thành tựu và để lại nhiều tác phẩm có gia trị như Deva Mano, Ariya Nai Mai Mang Kah. Những sáng tác văn học Chăm về sau vẫn giữ được nét đặc sắc riêng.
Về văn tự, quá trình cải biên chữ Brami của Ấn Độ đến Akhar Thrah Champa là cả một thời gian lâu dài. Vai trò của Akhar Thrah rất quan trọng, là loại chữ viết được dùng phổ biến và rộng rãi trong quần chúng, ghi chép tất cả các công việc hành chính của vương triều, chép sử, sáng tác văn chương. Điểm mới của Akhar Thrah là từ mẫu chữ Brami qua sự cải biến để ghi âm tiết Champa. Và trên thế giới chỉ còn người Chăm sử dụng hệ thống chữ Akhar Thrah do họ sáng tạo ra. Ngày nay, Akhar thrah đang được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, bởi sự cải biên làm mất đi tính trong sáng của ngôn ngữ, chỉ vì mục đích đơn giản hóa để đưa vào giảng dạy trong học đường, điều này làm cho chữ viết Chăm mất đi tính thống nhất và tạo ra cách viết khác nhau trong cùng một ngôn ngữ.
Về lịch pháp,  rất quan trọng đối với nghề làm nông nghiệp và đi biển hàng ngày. Nên vấn đề ngày, giờ tốt xấu rất được chú ý trong đời sống. Sự tiếp nhận lịch Saka của Ấn Độ được ghi chép rõ ràng trên các bia kí được tìm thấy. Tuy nhiên cách chuyển lịch Saka để phù hợp với điều kiện thực tế như thế nào thì ít được biết đến. Bởi những tri thức về thiên văn học của Champa chưa được nghiên cứu nhiều. Người Champa đã chuyển lịch Saka sang Sakawi để phục vụ cho việc tiến hành các lễ hội dân gian, nghi lễ trong nông nghiệp, đặc biệt là ngày hành lễ tôn giáo.
Tóm lại, nền văn minh Ấn Độ một thời huy hoàng khắp Đông Nam Á đã để lại nhiều di sản giá trị tuyệt vời về mặt nghệ thuật. Trên cơ sở văn minh Ấn Độ, người Champa đã tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo thành nét văn hóa riêng, độc đáo cho riêng mình. Nền văn minh Champa ảnh hưởng sâu sắc văn minh Ấn Độ từ ýthức hệ quản lí thần dân với thuyết nhân thần. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa dễ nhận diện nhất là nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc ở các đền tháp cổ nằm khắp miền Trung Việt Nam. Và nét Bàlamôn giáo còn hiện hữu đến cách thức tổ chức xã hội.
Văn minh Ấn Độ đã được tiếp nhận một cách hòa bình và hài hòa với văn hóa bản địa tạo nên văn minh Champa rực rỡ trong lịch sử./.

No comments:

Post a Comment