Thành tựu của các nền văn minh cổ đại trên thế giới là minh chứng cho sự phát triển và trình độ của con người xưa khi mà cả khoa học và kỹ thuật đều chưa ra đời và phát triển. Các giá trị văn hóa vật thể còn tồn tại cho đến ngày nay được coi như vô giá, nó là kho tàng quan trọng giúp con người có thể nghiên cứu và khám phá về sự phát triển của một thời kỳ lịch sử từ rất lâu đời. Trong số các sản phẩm tiêu biểu của nền văn minh cổ đại phải kể đến kim tự tháp của Ai Cập cổ đại. Đây được coi là một trong những công trình vĩ đại nhất của con người trong thời cổ đại, nó vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian và tự nhiên để tồn tại cho đến ngày nay. Đã từng có câu nói: “Tất cả đều sợ thời gian nhưng thời gian sợ Kim tự tháp”. Câu trả lời cho quan điểm trên được lý giải như sau:
Giới thiệu về sự hình thành và lịch sự của Kim tự Tháp ở Ai Cập. Kim tự tháp là ngôi mộ của các Vua Ai Cập thuộc vương triều III và vương triều IV thời Cổ vương quốc. Các ngôi mộ ấy được xây ở vùng sa mạc ở Tây Nam Cairô ngày nay.
Kim tự tháp được bắt đầu xâydựng từ thời vua Giêde (Djeser), vua đầu tiên của vương triều III, vương triều đầu tiên của thời Cổ vương quốc. Đây là một ngôi tháp có bậc, cao 60m, đáy là một hình chữ nhật dài 120m, rộng 106m. Xung quanh tháp Giêde có đền thờ và mộ những thành viên trong gia đình và những người thân cận. Toàn bộ khu lăng này được bao bọc bởi một vòng tường xây bằng đá vôi.
Thời kỳ Kim tự tháp được xây dựng nhiều nhất và đồ sộ nhất là thời vương triều IV. Vua đầu tiên của Vương triều này là Xnêphru, đã xây cho mình hai Kim tự tháp, cái thứ nhất cao 36,5m, cái thứ hai cao 99m. Các vua kế tiếp như Kêốp, Kêphren, Mikêrin đều xây dựng những Kim tự tháp rất lớn: Kim tự tháp Kêốp (tên Ai Cập) là Hufu cao 146,5m, Kim tự tháp Kêphren cao 137m, Kim tự tháp Mikêrin cao 66m.
Trong số các Kim tự tháp ở Ai Cập, cao lớn nhất, tiêu biểu nhất là Kim tự tháp của Kêốp, con của Xnêphru. Kim tự tháp Kêốp xây thành hình tháp chóp, đáy là một hình vuông mỗi cạnh 230m, bốn mặt là hình tam giác ngoảnh về bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Toàn bộ Kim tự tháp được xây bằng những tảng đá vôi mài nhẵn, mỗi tảng nặng 2,5 tấn, có tảng nặng 30 tấn. Để xây Kim tự tháp này, người ta đã dùng đến 2300000 tảng đá với một khối lượng là 2408000m3. Phương pháp xây Kim tự tháp là ghép các tảng đá được mài nhẵn với nhau chứ không dùng vữa, thế mà các mạch ghép kín đến mức một lá kim loại mỏng cũng không thể lách qua được. ở mặt phía Bắc của Kim tự tháp Kêốp, cách mặt đất hơn 13m, có một cái cửa thông với hầm mộ, Kim tự tháp Kêốp có hai hầm mộ: một hầm mộ nằm ở sâu 30m dưới lòng đất và một hầm mộ ở giữa Kim tự tháp cách mặt đất 40m. Người ta cho rằng theo thiết kế ban đầu, hầm mộ ở sâu dưới đất, nhưng khi đã làm xong thì Kêốp thay đổi ý kiến, bắt phải xây ở trên cao.
Hơn 2000 năm sau, nhà sử học Hy Lạp Hêrôđôt đến Ai Cập còn được nghe cư dân ở đây kể lại quá trình xây Kim tự tháp. Hêrôđôt cho biết, sau khi quyết định xây Kim tự tháp, Kêốp đã huy động toàn thể nhân dân lao động trong nước đến công trường làm việc. Họ được tổ chức thành từng đội gần 100000 người, cứ 3 tháng thì thay phiên một lần. Kim tự tháp được xây ở tả ngạn sông Nin, nhưng nơi khai thác đá lại ở hữu ngạn. Vì vậy, người ta phải dùng thuyền trở đá từ nơi khai thác đến xây Kim tự tháp. Từ bến đá đến khu lăng mộ, người ta phải xây một con đường bằng những tảng đá mài nhẵn, dài hơn 900m, rộng 18m và chỗ cao nhất là 15m. Chỉ riêng việc xây con đường này đã mất 10 năm. Từ đây, người ta để đá lên xe trượt rồi dùng người hoặc bò kéo để trở đá đến công trường. Không kể thời gian làm đường và hầm mộ dưới đất, việc xây Kim tự tháp đã kéo dài hơn 20 năm mới hoàn thành.
Việc xây dựng Kim tự tháp, như Hêrôđôt nói, "đã đem lại cho nhân dân Ai Cập cổ đại không biết bao nhiêu tai họa". Nhưng nhân dân Ai Cập cổ đại, bằng bàn tay và khối óc của mình, đã để lại cho nền văn minh nhân loại những công trình kiến trúc vô giá. Trải qua gần 5000 năm, các Kim tự tháp hùng vĩ vẫn đứng sừng sững ở vùng sa mạc Ai Cập bất chấp thời gian và mưa nắng. Vì vậy, từ lâu người Arập có câu: "Tất cả đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim tự tháp". Và cũng chính vì vậy, từ thời cổ đại, người ta đã xếp Kim tự tháp Kêốp là kỳ quan số một trong bảy kỳ quan thế giới. Đến nay, trong bảy kỳ quan ấy, cũng chỉ còn lại mỗi Kim tự tháp mà thôi.
Cho đến ngày nay, chính các nhà khoa học cũng chưa thể lý giải nổi tại sao các phiến đá lớn đến vậy lại được đưa lên cao để xây dựng Kim tự tháp, hơn nữa giữa các phiến đá lại có sự vừa khớp đến mức khó tin…Trong khi mà khoa học vẫm chưa chứng minh được các ẩn số đó thì Kim tự tháp ở Ai Cập vẫn còn hiên ngang trước không gian, thời gian, thời tiếp khắc nghiệt của nắng và cát bụi trên sa mạc để tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù mọi vạn vật trong vũ trụ này đều sẽ biến mất trước thời gian nhưng Kim tự tháp thì còn tồn tại và nó được coi là biểu tượng của sự Vĩnh Hằng giống như các vụ vua Pharaon của người dân Ai Cập cổ đại vậy./.
No comments:
Post a Comment