Sunday, May 26, 2013

TÌM HIỂU VỀ ẨN DỤ, HOÁN DỤ




Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ bắt gặp nhiều những hình ảnh được sử dụng các biện pháp tu từ khác nhau, những hình ảnh đó làm cho câu từ trở lên sống động hơn, mượt mà hơn. Văn học là lĩnh vực có sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ này đó là ẩn dụ và hoán dụ. Trong một lần tình cờ, tôi đã nghe lại ở đâu đó về ẩn dụ, hoán dụ mặc dù ngày xưa tôi đã được học nhưng quả thực nó vẫn khiến tôi phải tìm hiểu về nó cho được cụ thể và rõ ràng hơn. Qủa thực khi xem xét về ẩn dụ và hoán dụ qua các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả cả trong nước và ngoài nước tôi thực sự choáng vì hai biện pháp tu từ này không phải là đơn giản, vì nó đầy sự phức tạp và có mối quan hệ với nhau. Trích đoạn bài viết sau mong rằng sẽ chia sẻ thông tin, tri thức về ẩn dụ, hoán dụ đến ai quan tâm. Nguồn: Tạp chí da màu , bài viết của tác giả Trần Hữu Thục sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

ẨN DỤ QUA DÒNG LỊCH SỬ ( PHẦN 1)


“Xin báo tin mừng. Kết quả khám nghiệm cho biết [bệnh tình] chỉ là một ẩn dụ.”

Ẩn dụ, âm Hán-Việt, xuất phát từ chữ Hán: 隐喻. Ẩn là bí mật, là giấu giếm. Dụ là tương tự, ví von. Còn được gọi là ám dụ 暗喻. Cũng như ẩn, ám là giấu giếm, bí ẩn. Nói ẩn dụ hay ám dụ, nghe bí hiểm. Thực ra, ẩn dụ đơn giản chỉ có nghĩa là so sánh ngầm.

Ẩn dụ, tiếng Anh là metaphor xuất phát từ métaphore, một tiếng Pháp cổ thế kỷ thứ 16. Và từ này lại xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ metaphora, có nghĩa là dịch chuyển (transfer). Ẩn dụ là sự dịch chuyển ý nghĩa từ hạn từ này sang hạn từ khác, dựa trên một yếu tố tương tự nào đó. Đó là một cách nói bóng bẩy trong đó, một điều được ví von với một điều khác bằng cách nói “cái này là cái kia”. Đại loại cũng là so sánh ngầm.

Trong khi một số ẩn dụ đòi hỏi “bước nhảy tưởng tượng” (imagination leap/ từ của Mark Johnson), khi mới gặp lần đầu, nhất là trong thơ, thì nhiều ẩn dụ, thực ra, được dùng nhiều và quen thuộc đến độ chúng mất hết cả tính ẩn dụ.

Trong cách dùng bình thường hàng ngày: chân bàn, chân núi, cửa sông, miệng giếng, tiếng thị phi, chiều buông, chiều xuống, chiều rơi, chiều chưa đi…

Trong văn xuôi:


- Ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ, tràn vào căn phòng

- Nắng đã xô ngã bóng cây liễu già lênh láng trên cỏ (Hoàng Chính)

- Nỗi thất vọng của tôi không qua được tia nhìn soi mói của gã thanh niên (Âu Thị Phục An)

- Con đường trải nhựa uốn quanh con đồi

- Những hàng cây thông thẳng tắp vươn lên trời

Trên tựa đề một bản tin thời sự: Troops leave Iraq, pain doesn’t (leaves) (Quân lính rời Iraq, nỗi đau thì không rời.)

Câu quảng cáo trước một quầy bán thực phẩm ăn liền Burger King: When stomach talks, speak its language (Khi dạ dày lên tiếng, hãy nói ngôn ngữ của nó!)

Ngôn ngữ diễn ngôn trong khoa học tự nhiên thường được xem như “nghĩa đen”, không chỉ được trang bị đầy những đặc ngữ ẩn dụ mà còn dùng những ý niệm ẩn dụ để giải thích những thực thể không thể quan sát được. Chẳng hạn dùng chất lỏng để gọi điện: dòng điện (electrical current), dùng tính chất của vật để chỉ danh thành phần máy vi tính: phần cứng, phần mềm…

Dù sao, các cách nói trên đây vẫn còn dễ hiểu. Hãy đọc qua một vài đoạn thơ:

ký ức mang kính đen

bước ra từ hậu trường chiêm bao

giữa mớ đạo cụ biển trời

tôi mời em chuẩn bị tư thế

mặt nạ đam mê (Chân Phương)

Ký ức thì biết “mang kính”. Mặt nạ lại “đam mê”!

Những chiếc lá thất thân

Đã sang màu rạo rực

Mùa thu đứng bên đường

Vòng tay ôm con dốc.(Trần Mộng Tú)

Lá “thất thân” (nghĩa là không còn trinh tiết nữa) đã lạ, chuyển sang “màu rạo rực” lại càng lạ!

nóng sốt hoảng hốt

buồn nôn không khí thiếu anh trong sạch

hoàng hôn nhắm mắt dìm im lặng giữa đoạn nắng trầm cảm

tái xanh trên vỉa hè paris bé đọng giọng cười chẻ đôi (Lưu Diệu Vân)

Cái nóng thì “hoảng hốt”, hoàng hôn lại “nhắm mắt”, giọng cười thì “chẻ đôi”!

Tất cả những câu, chữ trích dẫn trên khác nhau, nhưng chúng có chung một đặc điểm: dùng hay mượn một hay nhiều chữ/ý này để nói về một hay nhiều chữ/ý khác. Mượn cái “chân” (người) để gọi phần dưới của cái ghế, mượn “đường đi” để chỉ tính cách phức tạp, quanh co của tình yêu, muợn chuyển động của cái tay để mô tả sự phát triển hướng lên cao của cây thông, mượn cảm giác hoảng hốt để mô tả cái nóng kinh người, mượn màu đen của kính để nói về sự giả trang trong đời sống hay mượn cái trinh tiết con người để mô tả những chiếc lá trở màu mùa thu…Thực tế, bàn làm gì mà có chân, tình yêu làm gì mà có con đường, cây thông có tay đâu mà “vươn” được, nắng làm sao “xô ngã” bóng cây, điện làm gì mà có “dòng”, lá thì làm gì có “thân” mà thất thân…Nghĩa là, chẳng có cái gì liên hệ đến cái gì. Theo cách nói của Serge Botet, “ẩn dụ nói về thế giới bằng cách nói dối.”[1]

Ẩn dụ không chỉ nằm trong lãnh vực ngôn ngữ. Trong phim ảnh, hai cảnh quay gần nhau ám chỉ những ý nghĩa ẩn dụ nào đó, được gọi là ẩn dụ nhìn (visual metaphors khác với ẩn dụ lời, verbal metaphors). Quảng cáo thường sử dụng ẩn dụ nhìn. Vai trò của quảng cáo viên là nối kết một sản phẩm với một tập hợp những giá trị xã hội nào đó, nghĩa là, nói theo ký hiệu học, tạo ra một ý nghĩa riêng biệt cho nó. Chẳng hạn, quảng cáo nước hoa Chanel số 5 bằng cách dùng hình ảnh của nữ tài tử Catherine Deneuve, ám chỉ loại nước hoa này tạo nên sắc đẹp và lịch sự.

Nhưng không có ở đâu mà ẩn dụ trở nên phức tạp như trong ngôn ngữ. Vả lại, ngay cả trong khi sử dụng ẩn dụ thị giác, ngôn ngữ cũng không thiếu vắng.

Từ rất sớm trong tư tưởng Hy lạp, ẩn dụ đã phát triển rực rỡ qua huyền thoại và thi ca. Những triết gia thời tiền-Socrate (khoảng thế kỷ thứ 6 & 5 trước Công nguyên) không xa lạ gì khi dùng thứ ngôn ngữ bóng bẩy để diễn tả tư tưởng của họ. Nhưng ngay từ lúc đầu, triết lý hay nói chung, vấn đề nhận thức và ẩn dụ không hề hòa thuận nhau. Có một sự phân chia tách bạch giữa logos, lý trí, và muthos, huyền thoại. Lý trí thì rõ ràng, tách bạch đúng sai còn huyền thoại thì ỡm ờ, mơ hồ. Platon (424 – 348 trước Tây lịch), triết gia hàng đầu của thời Cổ Đại Hy Lạp, là người kịch liệt bài xích ẩn dụ. Ông chủ trương một thứ ngôn ngữ “có sao nói vậy”.[2] Triết lý là đi tìm chân lý, mà chân lý thì không thể mang tính chất hư cấu, hoang đường và do đó, sai lầm, như trong tu từ học và thơ. Tu từ học là môn học (được tin là) do Empédocle – một nhà thơ và nhà bác học vào thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch – đề xướng, dạy người ta cách phát biểu. Bằng cách “nói hay” thay vì “nói đúng”, lời nói được sử dụng như một vũ khí dùng để ảnh hưởng vào công chúng. Đó là nghệ thuật dựa trên kiến thức về những nguyên nhân gây ra hiệu quả thuyết phục, tạo nên một thứ quyền: quyền xếp đặt chữ mà không cần tới sự vật, nhằm điểu khiển con người[3]. Do đó, tu từ học, theo Platon, là môn học chứa đựng toàn những hàm nghĩa tiêu cực. Đó là nghệ thuật tạo ra ảo tưởng và lừa phỉnh. Trong tác phẩm Gorgias, Platon không ngần ngại xem thơ là một loại tu từ học. Và hầu hết trong tập cuối cùng của tác phẩm Republic, ông dùng để tấn công thơ. Nhà thơ không biết gì về chân lý và tệ hơn nữa, làm thơ là một trò lường gạt. Họ không có kiến thức thực sự về những gì họ bắt chước. Họ chỉ sản xuất ra những bản sao của những bắt chước từ cái có thực.[4] Rốt cuộc, thơ nuôi dưỡng và tưới thêm nước vào dục vọng thay vì làm khô ráo chúng, khiến cho con đường tìm đến chân lý càng thêm khó khăn.

Mark Johnson, trong lời tựa cho Philosophical Perspectives on Metaphor[5], một tuyển tập viết về ẩn dụ của nhiều tác giả, cho rằng Platon có lẽ không kết án ngôn ngữ bóng bẩy, những biết rõ chúng và quyền lực của chúng có thể ảnh hưởng đến niềm xác tín và sợ hãi là chúng sẽ bị lạm dụng. Ông tấn công trực tiếp vào những nhà thơ và các nhà ngụy biện vì sợ rằng sự lạm dụng ngôn ngữ sẽ dẫn dắt người ta xa rời chân lý. Điều mỉa mai là trong khi phê phán thi ca, nghĩa là phê phán ẩn dụ, thì chính Platon lại sử dụng ẩn dụ để thăm dò những xác tín triết lý quan trọng nhất của ông!

Khác với Platon, người học trò xuất sắc của ông là Aristotle (384-322 trước Tây lịch) có một cái nhìn nghiêm túc về ẩn dụ. Ông nghiên cứu ẩn dụ như một sự kiện ngôn ngữ, một hiện tượng tất yếu trong sinh hoạt chữ nghĩa, và qua đó có liên quan đến đời sống. Aristotle được xem như là người đầu tiên trong lịch sử đề cập đến ẩn dụ. J. David Sapir và Christopher Crocker gọi ông là “tộc trưởng”[6] của ẩn dụ. Paul Ricoeur cho rằng định nghĩa của Aristotle là căn bản cho tất cả lịch sử về sau của tư tưởng phương tây, dựa trên nền tảng của một thứ ngữ nghĩa luận lấy chữ hay danh từ làm đơn vị căn bản”[7]. Cho đến nay, nói theo Umberto Eco, có cả hàng ngàn trang viết về ẩn dụ (và tạo nên một ngành nghiên cứu mới: ẩn dụ học = metaphorology) lại chẳng có thêm được bao nhiêu điều khác lạ, mới mẻ về bản chất của ẩn dụ, so với những ý niệm căn bản đã từng được Aristotle nêu ra. Cho nên, lịch sử của những thảo luận về ẩn dụ là lịch sử của những chuỗi biến thể dựa trên một ít trùng luận.”[8].

Aristotle thảo luận về ẩn dụ trong hai tác phẩm “The Poetics” (Thi pháp học) và “The Rhetoric” (Tu từ học). Theo Aristotle, “Ẩn dụ có nghĩa là quy cho sự vật nào đó một cái tên mà tên này thuộc về một sự vật khác; sự dịch chuyển có thể hoặc là giống (genus) thay cho loại (species), hoặc loại thay cho giống, hoặc là loại thay cho loại, hoặc dựa trên nền tảng của sự tương tự”.[9] Aristotle cho rằng triết lý cần ẩn dụ để tăng cường thêm trong luận cứ nhằm thuyết phục người khác trong chính giới và cũng cần dùng trong thi ca để diễn tả các hành vi nhân sinh. Ẩn dụ trong Aristotle đứng dạng chân giữa hai lãnh vực: tu từ học và thơ. Tu từ là kỹ thuật hùng biện, mục đích là thuyết phục. Thơ không hùng biện, không nhằm thuyết phục ai. Thơ và hùng biện vẽ ra hai vũ trụ riêng biệt. Rốt cuộc, ẩn dụ có một cơ cấu duy nhất, nhưng lại gánh chịu hai chức năng: chức năng tu từ và chức năng thơ.

Bằng một định nghĩa cô đọng, Aristotle đã xác lập chỗ đứng cho ẩn dụ, nhưng đồng thời, chính từ cái định nghĩa trứ danh này mà ẩn dụ chịu một số phận long đong trải dài qua mấy chục thế kỷ. Tất cả bắt đầu từ chỗ: sự chuyển nghĩa ẩn dụ bắt đầu từ chữ, chứ không từ câu, mà sau này bị Ricoeur phê phán nặng nề. Thứ hai là, sự phân chia những hạn từ thân quen và xa lạ đưa đến chỗ có sự lệch lạc ra khỏi cách dùng thông thường, tạo nên cái mà Mark Johnson gọi là một “sự phân ly tai ác” (fatal separation) giữa nghĩa đen và nghĩa bóng. Thứ ba là khái niệm về sự tương tự và so sánh trong ẩn dụ, đưa đến một câu hỏi mà cho đến bây giờ, trải qua nhiều thảo luận và tranh cãi, vẫn chưa ai đưa ra được một giải pháp chung cuộc. Thế là, trong suốt quá trình lịch sử, ẩn dụ như một đứa con ngoại hôn, bỏ thì thương sương thì nặng. Ẩn dụ vẫn được sử dụng, vẫn được ưa thích nhưng đồng thời lại bị chê bai, bị gièm pha và có khi bị lên án. Nó bị xem như là một “trò tiểu xảo chơi chữ khéo léo dư thừa” theo cách nói của Richards.[10]

Nhiều thế kỷ sau Aristotle, ẩn dụ được trình bày, trước hết, do những nhà tu từ học thời Cổ Đại (Antiquity), và sau, là những nhà thần học thời Trung Cổ (Middle Age). Nói chung, họ đều tôn trọng cách hiểu ẩn dụ mà Aristotle đã đề ra, nhưng không dành một sự lưu tâm đặc biệt nào đến nó.

Vào thời Cổ Đại (từ trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 5), hai khuôn mặt nổi bật nhất là Cicero và Quintilian. Cả hai đều xem ẩn dụ như lệ thuộc vào sự so sánh và giảm thiểu vai trò của nó trong vấn đề nhận thức. Cả hai đều ca ngợi ẩn dụ nhưng đồng thời cảnh cáo rằng cách dùng không chính xác, không đúng cách sẽ khiến cho văn phong trở thành tối tăm, khó hiểu.

Cũng như Aristotle, Cicero bàn về ẩn dụ theo văn phong (style) hơn là theo diễn ngôn có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong lúc Aristotle cho là ẩn dụ có giá trị hơn sự so sánh, thì Cicero cho ẩn dụ như là một loại vay mượn chữ và xem ẩn dụ chỉ là “một hình thức rút gọn của so sánh, cô đọng vào trong một chữ; chữ này được đặt vào một vị trí không thuộc về nó y như thể đó là vị trí riêng của nó và nếu nó được thừa nhận là mang lại điều khoái trá nhưng nếu nó không chứa đựng sự tương tự thì nó bị bác bỏ”.[11] Cicero nhấn mạnh tầm quan trọng của cách dùng chữ. Có ba tính chất trong một chữ mà diễn giả có thể dùng để làm sáng tỏ hay trang trí cho ngôn ngữ: chữ hiếm, chữ mới và ẩn dụ. Ẩn dụ là cách dùng, lúc đầu do nhu cầu bó buộc, nhưng sau đó là tạo ra sự khoái trá, thích thú. Giống như áo quần, lúc đầu cần phải mặc để giữ ấm, nhưng theo thời gian, trở thành món trang sức.[12]

Quintilian, chịu ảnh hưởng của Cicero về lý thuyết tu từ, cho rằng tu từ học là đào tạo những “người giỏi nói hay” (good man speaking well). Chính vì thế mà ông thường dùng hạn từ rhetoric thay nhau với oratory và eloquence để chỉ sự hùng biện. Có ba yếu tố trong việc “nói hay”:

- nghệ thuật: kiến thức về cách nói hay;

- người nói: có khả năng tu từ;

- công việc phải hoàn tất: nói cho hay.

Tóm lại, phải làm cách nào để đạt được mục đích: nói hay. Nói hay liên hệ mật thiết đến văn phong. Quintilian tìm kiếm một thứ văn phong “lành mạnh” (healthy style). Để có được sự “lành mạnh”, văn phong phải có những phẩm tính: trong sáng, rõ ràng, có tính trang sức và đặt đúng chỗ. Ông nhấn mạnh đến tính cách trang sức: sự trang sức đối với văn phong cũng như sự xúc động đối với bằng chứng đưa ra. Phẩm tính của văn phong gắn liền với chữ. Chữ phải chính xác, mới mẻ và có tính ẩn dụ. Cũng như Cicero, Quintilian xem ẩn dụ nói chung là hình thức rút gọn của so sánh và là một trong các dụ pháp[13] (tropes) gồm có hoán dụ, đề dụ, hoán xưng (antonomasia)[14], từ tượng thanh (onomatopoea). Ẩn dụ là chuyển một danh từ (có thể kèm thêm tính từ) và động từ từ vị trí mà nó thuộc về đến một vị trí, nơi thiếu một chữ chính xác hay “một chữ được chuyển đổi” hay hơn “chữ mang nghĩa đen”.[15]

Các tác phẩm của Cicero và Quintilian chinh phục lối dạy dỗ tu từ trong các trường học ở Anh vào các thế kỷ 16-18. Cicero quan tâm đến cách viết lách, liên hệ mật thiết với các đối thoại trong các tác phẩm của Platon. Còn Quintilian nói trực tiếp và quan tâm đến dạy tu từ hơn Cicero.

Vào thời Trung Cổ (từ thế kỷ thứ 5 đến 15), quan điểm về ẩn dụ có hai khía cạnh: ẩn dụ là tốt khi dùng trong Thánh Kinh và xấu khi dùng (hay lạm dụng) để ngụy trang những điều phản chân lý bằng thứ ngôn từ hấp dẫn, lôi cuốn. Bede (673-735) (tức St Bede hay Venerable Bede) trong chuyên luận “De schematibus et tropis” (Concerning Figures and Tropes: Bàn về Dụ thái và Dụ pháp), cho rằng trong cách dùng nghĩa bóng bẩy, những bài giảng trong Thánh Kinh vượt qua các bài viết của người Hy Lạp. Và một điều chung cho cả hai: dùng sai một chữ để vạch ra sự tương tự. Nói chung, những nhà tư tưởng thời trung cổ bàn về ẩn dụ với hai cái nhìn:[16]

- Một mặt, ẩn dụ và các hình thức bóng bẩy khác chỉ có giá trị về mặt văn phong và không liên hệ gì đến kiến thức. Chúng vô bổ. Theo Johnson, qua chuyên luận trên của Bede bàn về dụ thái (figures)[17] và dụ pháp (phép chuyển nghĩa), ta thấy sự xuất hiện rõ nét thêm của một thứ lý luận góp phần làm suy đồi ẩn dụ trong những thế kỷ đến sau: tu từ học bị tách khỏi luận lý và thu lại thành một thứ cẩm nang văn phong. Ẩn dụ được xem như thuộc về tu từ học, bây giờ trở thành một thủ pháp viết lách không dính dáng gì đến lý luận triết học nghiêm túc.

- Mặt khác, không thể không quan tâm đến sự kiện Thánh Kinh lại sử dụng nhiều ẩn dụ. Sự hiện hữu của các dụ thái trong Thánh Kinh cản trở mọi nỗ lực hạ giá toàn diện ẩn dụ. Một số tìm cách chứng minh tính chất cao cả của ẩn dụ trong Kinh Thánh so với ẩn dụ trần tục. St. Thomas Aquinas (1225-1274) còn đi xa hơn. Trong khi vốn thích sử dụng loại diễn ngôn bình thường vì sự trong sáng của nó, ông lại quả quyết rằng thỉnh thoảng khi cần thiết, cũng phải sử dụng một thứ ngôn ngữ ở mức độ khác, một cách dùng tương tự, tức là ẩn dụ, để thảo luận về bản chất thanh cao của Thượng Đế. Nhưng nếu dùng loại ngôn ngữ này có thể truyền đạt chân lý về Thượng Đế thì nó cũng có thể dẫn đến sự hiểu không đúng đắn, cho nên chỉ dùng khi nào sự tương tự này thích hợp. Johnson cho rằng nếu St. Thomas góp phần tích cực để hiểu thứ ngôn ngữ dùng trong thần học, thì ông cũng chia xẻ niềm tin chung vào ẩn dụ như các nhà tư tưởng đương thời, theo đó, ẩn dụ là một cách dùng “chữ sai lệch để nhấn mạnh đến sự tương tự”.

Cho đến chủ nghĩa thực nghiệm thế kỷ thứ 16, những thảo luận về ẩn dụ và ngôn ngữ bóng bẩy, nói chung, cũng diễn ra trong lãnh vực tu từ vốn là một môn học chỉ quan tâm đến văn phong. Những nhà tu từ học thường bị trách móc là đã nuôi dưỡng, khuyến khích xử dụng thứ ngôn ngữ trang sức, chẳng ích gì cho vấn đề nhận thức. Ở Anh, vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, một mặt, ẩn dụ được xem như là một phần quan trọng trong ngôn ngữ giáo dục và văn chương, nhưng mặt khác, lại bị các triết gia và nhà khoa học, bài xích. Theo họ, đó là một thứ tu từ học vô bổ, chỉ dành cho những chính trị gia chuyên môn hứa hẹn hão huyền. Muốn trở thành một triết gia hay một nhà khoa học chân chính thì nên kiêng cử ẩn dụ. Những nhà khoa học của “Hội Hoàng Gia”[18] tìm cách tách rời kiến thức ra khỏi sự hoa hòe của từ ngữ mà theo họ, chỉ là dụng cụ của trí tưởng tượng, xuất phát từ các chuyện hoang đường. Sử dụng ẩn dụ khiến cho hiện thực bị biến dạng, bị sai lệch. Ẩn dụ chỉ là trò lừa bịp (trick of metaphors).

Thomas Hobbes (1588-1679) là nhà kinh nghiệm chủ nghĩa (empiricist) đầu tiên mở ra cuộc tấn công trực diện vào ẩn dụ. Ông kết án “cách dùng chữ một cách ẩn dụ, nghĩa là dùng trong một nghĩa khác hơn nghĩa đã được quy định” là chỉ để đánh lừa người khác. Ông quả quyết rằng thứ ngôn ngữ cụ thể, rõ ràng là phương tiện thích hợp dành cho diễn ngôn triết lý. Có thể tóm tắt luận điểm của Hobbes như sau:

- Hệ thống ý niệm con người chủ yếu là nghĩa đen. Ngôn ngữ nghĩa đen là phương tiện thích hợp duy nhất để diễn tả nghĩa của nó một cách rõ ràng và xác lập chân lý, giúp cho các triết gia lý luận đúng.

- Ẩn dụ là một cách dùng chữ sai lệch (deviant), khác với nghĩa thích hợp, gây ra mơ hồ và phỉnh gạt.

- Ý nghĩa và sự xác lập chân lý của một ẩn dụ (nếu có) chính là cải tả (paraphrase) chúng thành nghĩa đen. Như thế có nghĩa là: nếu chân lý chỉ có thể được xác lập bằng những hạn từ mang nghĩa đen thì loại diễn ngôn bóng bẩy, trong hình thức sử dụng tốt nhất, chỉ áp dụng cho mục đích tu từ, để làm đẹp văn phong mà thôi.[19]

John Locke còn đi xa hơn. Locke không chỉ tấn công ẩn dụ mà còn tấn công tất cả mọi hình thức ngôn ngữ bóng bẩy. Trong một chương có tựa đề “Of the Abuse of Words” (Về sự lạm dụng chữ), ông viết: “Vì sự dí dỏm và vì trí tưởng tượng dễ dàng tìm thấy sự vui thích trong cuộc sống hơn là chân lý khô khan và kiến thức thực sự, nên những lời nói bóng bẩy và các hàm ý của chúng trong ngôn ngữ sẽ khó được thừa nhận như đó là một sự bất toàn hay là lạm dụng ngôn ngữ. Tôi thú nhận, trong các chuyên luận nơi mà tôi tìm thấy khoái trá và thú vị hơn là thông tin và sự đổi mới, những lối nói hoa mỹ (được) vay muợn (từ chúng) như thế hiếm khi bị xem là sai lầm. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói đến sự vật đúng như cái chúng có, chúng ta phải thừa nhận rằng loại nghệ thuật tu từ, ngoài sự trật tự và trong sáng, tất cả sự vận dụng có tính nghệ thuật và bóng bẩy những con chữ mà khoa hùng biện đã sáng chế ra, đều chẳng có gì khác hơn ngoài việc tuồn vào những ý tưởng sai lầm, làm khuấy động dục vọng và do đó, làm sai lạc mọi phán đoán, đưa đến trò phỉnh gạt hoàn toàn; và dù thuật hùng biện đáng được ca ngợi và cho phép trong các bài diễn thuyết và diễn văn phổ thông, thì trong những chuyên luận nhằm cung cấp thông tin và truyền đạt kiến thức, chắc chắn chúng phải được tránh đi hoàn toàn và nơi đâu chân lý và kiến thức còn được quan tâm thì loại ngôn ngữ hay người sử dụng chúng như thế phải được xem là một sai lầm lớn lao.”[20]

Quan điểm dứt khoát của Hobbes và của Locke ảnh hưởng nhiều đến các nhà tư tưởng về sau. Cho đến cuối thế kỷ thứ 18, ẩn dụ rất ít được đề cập trong các tác phẩm của triết gia. Họ vẫn tiếp tục quan điểm cũ của những người đi trước và cho rằng ẩn dụ là vấn đề thuộc lãnh vực tu từ. Như Elements of Rhetoric (1828) của Richard Whately, Philosophy of Rhetoric (1841) của George Campbell, Hegel (1770-1831) trong “The Philosophy of Fine Arts) định nghĩa ẩn dụ là một thứ so sánh rút gọn (abridged comparison). Hegel nói thẳng: “Ngay cả khi đạt đến điểm cao nhất của nó, ẩn dụ có thể chỉ xuất hiện như là một cách trang sức đơn giản cho một tác phẩm nghệ thuật.”[21]

Kant và Rousseau thì khác hơn.

Immanuel Kant (1724-1804), trong “Critique of Judgment” (1790), không thảo luận một cách rõ ràng về ẩn dụ, mặc dầu ý niệm ẩn dụ là khái niệm trung tâm trong ý tưởng thẩm mỹ và được xem là vị trí đầu tiên trong lý thuyết về nghệ thuật của Kant. Ý tưởng thẩm mỹ là điều ngược lại với ý tưởng duy lý. Tài năng nghệ thuật là khả năng tạo ra những “ý tưởng thẩm mỹ” trong khi không có một bộ quy luật hay là ý niệm nào hướng dẫn trước đó. Nói khác đi, một ý tưởng thẩm mỹ có thể được trình bày xuyên qua tác phẩm văn chương và nghệ thuật khi những tác phẩm này lôi kéo trí tưởng tượng vào bằng một phương cách đặc thù mà ngôn ngữ bình thường và tri giác hàng ngày của những hình ảnh thị giác không hiện hữu. Thơ là nghệ thuật điều khiển một trò chơi tự do của tưởng tượng (y như thể) là một công việc hiểu biết. Nó chủ yếu khêu gợi trí tưởng tượng của khán giả. Nói cách khác, người nghệ sĩ sáng tạo ra biểu tượng nguyên thủy của sự vật mà không tuân theo bất cứ một nguyên tắc nào để sản xuất ra sự vật. Kant cho rằng khả năng tạo ra ẩn dụ gắn liền với khả năng sáng tạo nói chung.[22]

Cũng như Kant, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), không trực tiếp đề cập đến ẩn dụ. Nhưng trong một tác phẩm bàn về nguồn gốc của ngôn ngữ, Essai sur l’origine des langues[23], ông gián tiếp đề cao ẩn dụ với một luận điểm khác biệt so với xu thế đương thời: nghĩa bóng có trước nghĩa đen. “Vì rằng những động cơ đầu tiên khiến cho con người nói lên là những dục vọng, cho nên những diễn đạt đầu tiên của nó là những ẩn dụ. (Vậy) ngôn ngữ bóng bẩy là ngôn ngữ đầu tiên phát sinh, nghĩa đen chỉ là cái đến sau. (…) Hình ảnh ảo do dục vọng gây ra xuất hiện đầu tiên, ngôn ngữ thích hợp với nó cũng là cái đầu tiên được sáng tạo; sau đó nó trở thành ẩn dụ khi tinh thần được soi sáng, nhận ra cái lầm lẫn đầu tiên của mình…”, Rousseau viết.[24]

Rousseau được xem là nhà tư tưởng gây cảm hứng cho trào lưu Lãng Mạn bắt đầu cuối thế kỷ thứ 18 kéo dài cho đến giữa thế kỷ 19, như một phản ứng chống lại tư tưởng duy lý và cuộc cách mạng kỹ nghệ đang chi phối xã hội Tây phương thời đó. Những nghệ sĩ và nhà văn nhà thơ Lãng Mạn bảo tồn và vinh danh trí tưởng tượng sáng tạo. Họ xem ẩn dụ như là hoạt động sáng tạo căn bản, như là một nguyên tắc của ngôn ngữ, vượt qua ngôn ngữ hàng ngày để tiến đến một sự thấu suốt trực giác vào bản chất của sự vật và đời sống. Ẩn dụ như thế, gắn liền với sáng tạo và tôn giáo, tách khỏi khoa học. Họ đề cao ngôn ngữ bóng bẩy, nhưng nhấn mạnh đến sự tách biệt khỏi tư tưởng duy lý, nhân danh sự sáng tạo.

Trong không khí lãng đãng của trào lưu lãng mạn, nhà văn phạm học Pierre Fontanier (1765-1844) hướng sự nghiên cứu của mình vào một chuyên đề khác, tuy không dính líu gì đến việc sáng tạo nghệ thuật, nhưng có liên quan mật thiết bản chất của sự sáng tạo. Tác phẩm của ông, Figures du discours[25], theo Gérard Genette trong lời tựa, được xem như là một trong những tác phẩm quan trọng của tu từ học cổ điển. Nó không chứa đựng một khám phá gì mới, mà là một tiếp nối và hoàn thiện tư tưởng của nhiều nhà tu từ học trước đó, nhất là của nhà văn phạm học César Chesneau Dumarsais (1676-1756) với tác phẩm “Tropes”, bằng một cái nhìn mới mẻ hơn. Genette cho rằng điểm chính yếu của tác phẩm nằm trong sự kết hợp các dụ pháp (tropes) và phi-dụ pháp (non-tropes) dưới khái niệm dụ thái (figures)[26]. Nếu mọi khái niệm chính của tu từ học cổ điển là diễn ngôn và của Dumarsais là chữ, thì Fontanier quan tâm đến tất cả dụ thái.

Dụ thái là gì? Theo Fontanier, dụ thái là “những đường nét, những hình thể hay những đường viền…qua đó, ngôn ngữ …tự tách xa nhiều hay ít với điều được xem là diễn đạt đơn giản và thông thường”. Chữ figure trong tiếng Pháp chỉ nói về thể chất, là những đường nét bên ngoài của một sự vật vật nào đó. Còn diễn ngôn thì nói về tinh thần, trí tuệ, không có một hình thể vật lý. Nhưng có một vài điều trong diễn ngôn mang hình thể và những nét tương tự, nên có thể gọi chúng một cách ẩn dụ là những hình thái của diễn ngôn – dụ thái –, bởi vì trong ngôn ngữ, chúng ta không có một chữ nào khác có cùng một ý tưởng.[27] Dụ thái không làm nên giá trị của tất cả diễn ngôn, nhưng đó là cách dùng quen thuộc và thông thường đến nỗi người ta có cảm tưởng là ít bóng bẩy nhất. Dụ thái không phải là sáng tạo của những nhà tu từ học, hay của những nhà văn phạm. Chúng đến từ Tự Nhiên (Nature), như lời nói vậy. Chính Tự Nhiên chỉ vẽ chúng cho tất cả mọi người, từ bình dân cho đến trí thức[28].

Khác với hoán dụ là một thứ dụ thái hình thành bằng sự liên hệ (par correspondance), ẩn dụ là một loại dụ thái được cấu thành do sự tương tự. “Trình bày một ý tưởng dưới ký hiệu của một ý tưởng khác gây ấn tượng hơn và quen thuộc hơn, mà ý tưởng này, chỉ liên hệ với ý tưởng đầu tiên bằng một sự tương tự nào đó.”[29] Theo ngữ học ngày nay, đó là sự lệch nghĩa (écart). Nghĩa là áp đặt một nghĩa khác lên nghĩa có sẵn của một chữ. Theo Ricoeur, thực ra, Figures du discours nằm trong quá trình của một sự suy đồi liên tục của tu từ học. Tu từ học cổ điển với Aristotle bao gồm ba lãnh vực của tu từ là nghệ thuật sáng tạo (inventio), nghệ thuật biên soạn (dispositio) và văn phong (elocutio), nhưng chỉ nhấn mạnh đến sáng tạo và biên soạn. Đến Cicero và Quintilian, tu từ học chỉ còn là lý thuyết về văn phong. Đến Fontanier, tu từ học rút gọn thành sự phân loại các dụ thái, một thứ lý thuyết về dụ pháp gọi là dụ-pháp học (tropologie).[30]

(Còn tiếp 1 kỳ)


Chú thích:


[1] Les métaphores parlent du monde en mentant . Serge Botet, Petite traité de la métaphore, Presses Universitaires de Strasbourg, 2008, trang 6.

[2] tell it like it is, xem Figurative language,

http://www.flsh.unilim.fr/ditl/Fahey/LANGAGEFIGURFigurativelanguage_n.html.

[3] Xem Paul Ricoeur, “La métaphore vive”, Éditions du seuil, Paris, 1975, tr. 15

[4] Xem Stanford Encyclopedia of Philosophy, http://plato.stanford.edu/entries/plato-rhetoric/.

[5] Mark Johnson, Philosophical Perspectives on Metaphor, University of Minnesota, 1981, trang 5

[6] “clan founder”/J. David Sapir and J. Christopher Crocker, The social use of Metaphor, trong “Essays on Metaphor” /University of Pennselvania Press, 1977

[7] Paul Ricoeur, sđd, tr. 7

[8] Umberto Eco,Semiotics & the philosophy of language, Indiana University Press 1986, Chương 3: Ẩn dụ.

[9] Aristotle, The Poetics, bản dịch Anh của Ingram Bywater, chương 21, 1457b 1-30. Xếp loại từ nhỏ đến lớn: species (loại), genus (giống), family (họ), order (bộ), class (cấp)

[10] a sort of happy extra trick with words; I.A Richards, Philosophy of Rhetoric, xem Mark Johnson, sđd, trang 49

[11] Cicero, On oratory and Orators, J. S. Watson dịch, Southern Illinois University Press, 1970, trang 237

[12] Cicero, như trên, tr 236

[13] Dụ pháp: từ của nhà thơ Chân Phương, dịch từ chữ “trope”. Còn được dịch là “phép chuyển nghĩa”.

[14] Dùng một danh từ hay một cụm danh từ để chỉ một danh từ riêng: “The Iron Lady" chỉ bà Margaret Thatcher, "The Führer" chỉ Adolf Hitler, “The King of Pop" chỉ Michael Jackson

[15] Dẫn theo George Kennedy, Quintilian, Twayne Publishers, Inc., New York, 1969, tr. 83.

[16] Xem Mark Johnson, Philosophical Perspectives on Metaphor, University of Minnesota, 1981, tr. 9-11

[17] Xem chú thích 26

[18] The Royal Society , gọi tắt của “The Royal Society of London for Improving Natural Knowledge”, thành lập năm 1660 ở Anh.

[19] Dẫn theo theo Mark Johnson, sách đã dẫn, tr 13

[20] John Locke, An Essay Concerning Human Understanding, dẫn lại theo Paul de Man, The Epistemology of Methaphor, Critical Inquiry, Volum 5, Number 1, 1978, tr. 15

[21] Xem Mark Johnson, sđd, Lời tựa, tr. 13

[22] Benjamin Westley, Kant, Davidson And The Value Of Metaphor,

http://www.dur.ac.uk/postgraduate.english/Westley.htm


[23] Jean-Jacques Rousseau, Essai sur l’origine des langues, bản điện tử:

http://classiques.uqac.ca/classiques/Rousseau_jj/essai_origine_des_langues/origine_des_langues.pdf

[24] Jean-Jacques Rousseau, sđd, tr 12,13.

[25] Pierre Fontanier, Les figures du discours, Flammarion, Paris 1977

[26] Tôi tạm dịch figure (tiếng Pháp) là “dụ thái”, nghĩa là hình thái bóng bẩy của chữ. Figure de discours: dụ ngữ, dụ ngôn; figure de mot: dụ từ; figure des idées: dụ ý; figuré: bóng bẩy

[27] Pierre Fontanier, sđd, tr 63

[28] Pierre Fontanier, sđd, tr. 67

[29] Pierre Fontanier, sđd, tr 99

[30] Paul Ricoeur, sđd, trang 64

No comments:

Post a Comment