Thực hiện Nghị
quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bẩy Ban chấp hành Trung ương đảng (khoá X)
về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009
của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020,
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa
bàn các xã trong phạm vi cả nước, nhằm phát triển nông thôn toàn diện, với
nhiều nội dung liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi
trường, hệ thống chính trị cơ sở.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG NÔNG
THÔN MỚI
1.
Xây dựng nông thôn mới là gì?
Xây dựng nông
thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông
thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát
triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn
hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất,
tinh thần của người dân được nâng cao.
Xây dựng nông
thôn mới là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính
trị. Nông thôn mới không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội, mà là vấn đề kinh tế -
chính trị tổng hợp.
Xây dựng nông
thôn mới giúp cho nông dân có niềm tin, trở nên tích cực, chăm chỉ, đoàn kết
giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
2.
Các tiêu chuẩn nông thôn mới
2.1. Tiêu chuẩn “Hộ nông thôn mới”
a) Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; tích cực tham gia các
phong trào thi đua của địa phương:
- Thực hiện
tốt quyền và nghĩa vụ công dân; không vi phạm pháp luật Nhà nước (không di dịch
cư trú tự do; không phá rừng làm nương; không hủy hoại nguồn nước; không lấn
chiếm, sử dụng đất đai trái phép; không mua, bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản,
khoáng sản trái phép; không khiếu kiện đông người), quy định của địa phương và
quy ước, hương ước cộng đồng;
- Giữ gìn an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa
nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương; tích
cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;
- Không vi
phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã
hội; tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và phòng chống các loại tội phạm;
- Tham gia
thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua; các sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng.
b) Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ
mọi người trong cộng đồng:
- Vợ chồng
bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi
hình thức; thực hiện bình đẳng giới; sinh con đúng quy định, cùng có trách
nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan;
- Gia đình nề
nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa
gia đình truyền thống, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, trang phục và phong tục
tập quán tốt của dân tộc mình, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về
gia đình;
- Giữ gìn vệ
sinh phòng bệnh; có trên 50% số người trong hộ có bảo hiểm y tế;
- Nhà ở ngăn
nắp; khuôn viên xanh-sạch-đẹp; sử dụng nước sạch; nhà tắm, nhà vệ sinh và
chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh, được chỉnh trang xây dựng theo quy hoạch; các
thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục
thể thao;
- Tích cực
tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp
đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động
“Ngày vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng.
c) Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập
đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả:
Trẻ em trong
độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; người lớn trong độ
tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm
vụ được giao. Trên 50% lao động trong hộ được đào tạo nghề.
Có kế hoạch
phát triển kinh tế gia đình, chủ động “Xóa đói giảm nghèo”, năng động làm giàu
chính đáng
Kinh tế gia
đình ổn định, thực hành tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các
thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao
d) Sản xuất và xây dựng nơi ở phải theo quy hoạch.
2.2. Tiêu chuẩn “Thôn nông thôn mới”
Có tối thiểu
70% số hộ đạt tiêu chuẩn “Hộ nông thôn mới”.
(1). Thực hiện
đúng theo quy hoạch của xã về hạ tầng, sản xuất, dân cư.
(2). Các
công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đạt chuẩn (giao thông: trên 50% số đường
trục thôn được cứng hóa đạt chuẩn; cơ bản đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa
mưa; 65% đường trục chính ra đồng được cứng hóa; thuỷ lợi: hệ thống thuỷ lợi
trên địa bàn đáp ứng cơ bản yêu cầu về sản xuất và dân sinh; điện: trên 70% số
hộ sử dụng điện an toàn, thường xuyên; cơ sở vật chất trường học trên địa bàn
đạt chuẩn; có nhà văn hóa, khu thể thao theo quy định của Bộ Văn hoá - Thể thao
và Du lịch; 60% nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm.
(3). Về thu
nhập: 90% số hộ có đời sống ổn định; Tỷ lệ hộ nghèo <5%.
(4). Đời sống
văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú:
- Có hương ước
cộng đồng và được thực hiện đầy đủ; các công trình lịch sử, văn hoá, cảnh quan
được tôn tạo, bảo vệ; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…;
không có người mắc tệ nạn xã hội (nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, vận chuyển, tàng
trữ, mua bán ma tuý và các văn hoá phẩm độc hại thuộc diện cấm lưu hành). Có
phong trào giúp nhau giảm nghèo, cải thiện, nâng cấp nơi ăn, ở phù hợp yêu cầu
nông thôn mới.
- 100% trẻ
trong độ tuổi được đến trường; Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; Tổ chức tốt
tuyên truyền giáo dục pháp luật; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%.
- Bảo hiểm y
tế trên 50% số hộ; Không xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm đông người; 100%
trẻ em được tiêm chủng; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhỏ hơn 1,5%.
- 60% hộ sử
dụng nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu, chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh; Không có
hoạt động suy giảm môi trường; Nghĩa trang được quản lý theo quy hoạch; Rác
thải, chất thải được thu gom xử lý thích hợp; Đường làng, ngõ xóm phong quang,
sạch sẽ.
(5). Trong
năm, Chi bộ và các tổ chức đoàn thể xếp loại khá; không có các điểm nóng về an
ninh trật tự xã hội; không có khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài.
2.3. Tiêu chí “Xã nông thôn mới”?
Gồm 19 tiêu
chí trên 5 lĩnh vực được quy định tại Quyết định số 491/2009/QĐ-TTgngày
16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- 5 nhóm
là: Nhóm 1: Quy hoạch, nhóm 2: Hạ tầng kinh tế xã hội, nhóm 3: Kinh tế và
tổ chức sản xuất, nhóm 4: Văn hóa - xã hội - môi trường, nhóm 5: Hệ thống chính
trị.
- 19 tiêu chí
là: 1: Quy hoạch, 2: Giao thông, 3: Thủy lợi, 4: Điện, 5: Trường học, 6:
Cơ sở vật chất văn hóa, 7: Chợ, 8: Bưu điện, 9: Nhà ở dân cư, 10: Thu
nhập, 11: Tỷ lệ hộ nghèo, 12: Cơ cấu lao động, 13: Hình thức tổ chức sản xuất,
14: Giáo dục, 15: Y tế, 16: Văn hóa, 17: Môi trường, 18: Hệ thống tổ chức chính
trị xã hội vững mạnh, 19: An ninh, trật tự xã hội.
3. Vì sao phải xây dựng nông thôn mới?
Do kết cấu hạ
tầng nội thôn (điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi, còn nhiều yếu kém, vừa
thiếu, vừa không đồng bộ); nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, tỷ lệ giao
thông nông thôn được cứng hoá thấp; giao thông nội đồng ít được quan tâm đầu
tư; hệ thống thuỷ lợi cần được đầu tư nâng cấp; chất lượng lưới điện nông thôn
chưa thực sự an toàn; cơ sở vật chất về giáo dục, y tế, văn hoá còn rất hạn
chế, mạng lưới chợ nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, trụ sở xã nhiều nơi
xuống cấp. Mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt chuẩn quốc gia rất
khó khăn, dân cư phân bố rải rác, kinh tế hộ kém phát triển.
Do sản xuất
nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bảo quản chế biến còn hạn chế, chưa gắn chế biến
với thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng nông sản chưa đủ sức cạnh tranh
trên thị trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ trong
nông nghiệp còn chậm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp còn thấp; cơ giới
hoá chưa đồng bộ.
Do thu nhập
của nông dân thấp; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn
ít; sự liên kết giữa người sản xuất và các thành phần kinh tế khác ở khu vực nông
thôn chưa chặt chẽ. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã còn nhiều yếu
kém. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao, cơ hội có việc làm mới tại địa phương
không nhiều, tỷ lệ lao động nông lâm nghiệp qua đào tạo thấp; tỷ lệ hộ nghèo
còn cao.
Do đời sống
tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiều nét văn hoá truyền thống đang có nguy
cơ mai một (tiếng nói, phong tục, trang phục...); nhà ở dân cư nông thôn vẫn
còn nhiều nhà tạm, dột nát. Hiện nay, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn chủ
yếu phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch.
Do yêu cầu của
sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cần 3 yếu tố chính: đất đai,
vốn và lao động kỹ thuật. Qua việc xây dựng nông thôn mới sẽ triển khai quy
hoạch tổng thể, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa.
Mặt khác, mục
tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Vì vậy, một nước
công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó.
4. Nguyên tắc xây dựng nông thôn mới?
- Nội dung xây
dựng nông thôn mới hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia được quy định tại
Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng
nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư
địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí,
quy chuẩn, đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ
thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ
chức thực hiện.
- Được thực
hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương
trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông
thôn; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh
tế; huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư.
- Được thực
hiện gắn với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an
ninh quốc phòng của mỗi địa phương (xã, huyện, tỉnh); có quy hoạch và cơ chế
đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch (trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ
thuật do các Bộ chuyên ngành ban hành).
- Là nhiệm vụ
của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp uỷ Đảng, chính quyền đóng vai trò
chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện;
hình thành cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” do Mặt trận Tổ quốc
chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát
huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới.
5. Ai làm nông thôn mới?
Người nông dân
và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể. Họ được biết, được bàn, được quyết
định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng (quy hoạch, đề án, huy động vốn,
quản lý...). Đóng góp công sức, tiền của để chỉnh trang nơi ở của gia đình
mình, đầu tư cho sản xuất, đóng góp xây dựng các công trình công cộng của thôn,
xã.
Cấp ủy, chính
quyền xã, chi ủy, trưởng thôn là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo xây dựng nông
thôn mới trên địa bàn.
Nhà nước giữ
vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các cơ chế, chính
sách hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổ chức thi đua gắn
với khen thưởng.
6. Thực hiện xây dựng nông thôn mới
phải làm những gì?
Xây dựng nông
thôn theo 19 tiêu chí, thuộc 5 nhóm việc:
- Tuyên
truyền, vận động, lập quy hoạch, lập đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới
thiết thực, hiệu quả;
- Chỉnh trang
khu dân cư, nhà ở, khuôn viên, vườn ao, tường rào... để có cảnh quan đẹp, đảm
bảo vệ sinh môi trường nông thôn;
- Huy động
nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống;
- Phát triển
sản xuất, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, nâng cao thu nhập trên
diện tích đất canh tác;
- Từng bước
nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá và đảm bảo an ninh nông thôn.
7. Tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới
như thế nào?
Xây dựng nông
thôn mới theo 7 bước sau:
Bước 1: Thành
lập hệ thống quản lý, thực hiện.
Bước 2: Tổ
chức thông tin, tuyên truyền về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
(được thực hiện trong suốt quá trình triển khai thực hiện).
Bước 3: Khảo
sát đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia
nông thôn mới.
Bước 4: Xây
dựng quy hoạch nông thôn mới của xã.
Bước 5: Lập,
phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới của xã.
Bước 6: Tổ
chức thực hiện đề án.
Bước 7: Giám
sát, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện chương trình.
8. Thôn phải làm như thế nào?
Sau khi đề án
và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã đã được phê duyệt, các thôn họp dân
để xây dựng kế hoạch phát triển của thôn (5 năm và hàng năm) trong đó cần bàn thống
nhất các nội dung:
- Các hộ dân
chủ động: Cải tạo nâng cấp nhà ở, xoá nhà tạm; chỉnh trang khuôn viên, vườn ao,
hàng rào, cổng ngõ, các công trình vệ sinh (nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn
nuôi, công trình nước sạch…) theo quy định chung của thôn; sắp xếp đồ dùng sinh
hoạt trong gia đình gọn, đẹp.
- Xác định
hướng đi phát triển kinh tế của từng hộ gia đình trong thôn (theo quy hoạch của
xã); lựa chọn nghề phù hợp để chủ động nâng cao kiến thức, đào
tạo nghề..., chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
- Nhân dân bàn
và thống nhất đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng của thôn, xã: Đường
thôn, đường nội đồng, kênh mương, nhà văn hoá, nhà mẫu giáo và khu thể thao
thôn, hệ thống cống rãnh thoát nước thải, trồng cây xanh, vườn hoa, điện chiếu
sáng nơi công cộng…
- Xây dựng
hương ước, quy ước của thôn về nếp sống văn hoá, về an ninh trật tự xã hội
trong thôn.
- Ban Phát
triển thôn phát động thi đua giữa các hộ gia đình trong thôn với nhau, thi đua
với thôn khác trong thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Làm từ
nhà làm ra”. Tổ chức cho các hộ ký cam kết xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch
của thôn.
- Khi đã thực
hiện xong các công việc của hộ, Ban phát triển thôn xây dựng kế hoạch đề nghị
với xã hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của thôn (trong đó nêu rõ cam
kết đóng góp của dân trong thôn để xây dựng công trình).
- Khi kế hoạch
được duyệt: Ban Phát triển thôn tổ chức họp dân bàn biện pháp thực hiện kế
hoạch; bầu Ban giám sát xây dựng công trình của thôn; tham gianghiệm thu
các công việc đã hoàn thành, thông báo công khai quyết toán
phần nguồn lực, kinh phí hàng năm do dân đóng góp để thực hiện xây dựng nông
thôn mới tại thôn.
- Sau khi
công trình hoàn thành, Ban Phát triển thôn có trách nhiệm nhận bàn giao
công trình đưa vào sử dụng, xây dựng kế hoạch vận động nhân dân trong thôn
bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng các công trình trên địa bàn.
9. Xã phải làm như thế nào?
Ban chỉ đạo
xây dựng nông thôn mới của xã cần tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, động
viên, khích lệ, làm cho các thành viên, cán bộ cấp dưới phải thực sự vào cuộc.
Tập trung
tuyên truyền mạnh mẽ, sâu, rộng, liên tục trên nhiều phương tiện, nhiều hình
thức với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để mọi người hiểu mục đích, ý
nghĩa, cách làm nông thôn mới. Từ đó khích lệ khát vọng và niềm tin vào công
cuộc xây dựng nông thôn mới của nhân dân.
Ban chỉ đạo xã
cần tập trung trí tuệ để xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới của xã.
Việc triển
khai đề án xây dựng nông thôn mới cần theo nguyên tắc: ưu tiên làm ở thôn, xóm,
hộ gia đình trước nhằm tạo sự hào hứng tham gia của cộng đồng. Hằng năm trên cơ
sở đề án, kế hoạch của các thôn, kế hoạch của xã phân công các thành viên Ban
quản lý triển khai các nội dung.
Làm chủ đầu tư
đối với một số hạng mục công trình xây dựng nông thôn mới trên địa
bàn xã theo quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh và được giao theo
quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Thường xuyên
theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn xã cho
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp trên.
10. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới gồm
những nguồn nào?
Nguồn vốn xây
dựng nông thôn mới có 5 nguồn chính:
- Đóng góp của
cộng đồng (bao gồm cả công sức, tiền của đóng góp và tài trợ của các tổ chức,
cá nhân);
- Vốn đầu tư
của các doanh nghiệp;
- Vốn tín dụng
(bao gồm cả đầu tư phát triển và thương mại);
- Hỗ trợ từ
ngân sách nhà nước;
- Vốn tài trợ
khác.
Lưu ý: Thực
hiện xây dựng nông thôn mới cần có sự kế thừa, lồng ghép các chương trình, dự
án đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Các công trình xây dựng phải trên cơ sở
chỉnh trang, nâng cấp là chính để giảm thiểu nguồn lực trong điều kiện kinh tế
còn khó khăn.
11. Nội lực
của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới?
Nội lực của
cộng đồng bao gồm: công sức, tiền của do người dân và cộng đồng đầu tư bỏ
ra để chỉnh trang nơi ở của gia đình mình như: xây dựng, nâng cấp nhà ở, nhà
bếp; xây dựng đủ 3 công trình vệ sinh; cải tạo, bố trí lại các công trình phục
vụ khu chăn nuôi hợp vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới; cải tạo lại vườn ao để
có thu nhập và cảnh quan đẹp; sửa sang cổng ngõ, tường rào đẹp đẽ, khang trang…
Đầu tư cho sản
xuất ngoài đồng ruộng, soi bãi, trên đất rừng hoặc cơ sở sản xuất tiểu thủ công
nghiệp, dịch vụ để có thu nhập cao.
Đóng góp, xây
dựng các công trình công cộng của làng xã như giao thông, kiên cố hóa kênh
mương, vệ sinh công cộng…
Tự nguyện hiến
đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội theo quy hoạch của xã.
12. Vai trò chủ thể của nông dân trong xây
dựng nông thôn mới?
Tham gia ý
kiến vào đề án xây dựng nông thôn mới và đồ án quy hoạch nông thôn mới cấp xã;
tham gia lập kế hoạch thực hiện Chương trình (thôn, xã).
Tham gia và
lựa chọn những công việc gì cần làm trước và việc gì làm sau thật thiết thực
với yêu cầu của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa
phương.
Quyết định mức
độ đóng góp trong xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã.
Trực tiếp tổ
chức thi công hoặc tham gia thi công xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã
hội của xã, thôn theo kế hoạch hàng năm.
Cử đại diện
(Ban giám sát) để tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã,
thôn.
Tổ chức quản
lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành.
13. Một số khẩu hiệu trong xây dựng nông
thôn mới
- “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.
- “Tuyên Quang
chung sức xây dựng nông thôn mới”.
- “Tuổi trẻ
xã...chung sức xây dựng nông thôn mới”.
- “Xã.....
đồng sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”.
- “Nông thôn
mới, sức sống mới, diện mạo mới”.
- “Toàn dân
tích cực tham gia xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh”.
- “Nông nghiệp
phát triển, nông thôn văn minh, nông dân giàu có”.
- “Nông nghiệp
Tuyên Quang phát triển toàn diện, từng bước tiến lên hiện đại”.
14. Một số văn bản hướng dẫn xây dựng nông
thôn mới
Quyết định số
491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Bộ tiêu chí Quốc
gia về nông thôn mới; Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ
tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn
mới giai đoạn 2010 - 2020;
Thông tư liên
tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội
dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính
phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai
đoạn 2010 - 2020;
Thông tư liên
tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28 tháng 10 năm
2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch
xây dựng xã nông thôn mới./.
No comments:
Post a Comment