Sunday, September 9, 2012

Chế Độ Pháp Lý Với Đất Nông Nghiệp


CHƯƠNG VIII

CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ ĐẤT NÔNG NGHIỆP

1. Khái niệm

Đất nông nghiệp là đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp; đất có rừng tự nhiên, đất đang có rừng trồng, đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp như trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ để phục hồi tự nhiên, nuôi dưỡng làm giàu rừng, nghiên cứu thí nghiệm về lâm nghiệp.


Từ định nghĩa trên chúng ta có thể chia đất nông nghiệp thành những loại sau:

- Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm (các loại cây có thời gian canh tác dưới 1 năm).

- Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm (có thời gian sinh trưởng và tồn tại từ 1 năm trở lên).

- Đất đồng cỏ và đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

- Đất có mặt nước sử dụng vào mục đích nông nghiệp là đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản: Nuôi tôm, cá, cua, ếch, ba ba, rùa và các loại động vật thủy sản khác.

- Rừng đặc dụng.

- Rừng sản xuất.

- Rừng phòng hộ đầu nguồn.

2. Chủ thể sử dụng đất nông nghiệp

2.1. Khái niệm

Chủ thể sử dụng đất nông nghiệp là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất đất nông nghiệp, có ý chí độc lập, có quyền và nghĩa vụ nhất định.

2.2. Điều kiện trở thành chủ thể sử dụng đất nông nghiệp

- Có sự tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất đất nông nghiệp.

- Có ý chí độc lập.

- Có các quyền và nghĩa vụ của pháp lý.

3. Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

3.1. Thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và làm muối

- Thời hạn giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, để nuôi trồng thủy sản và đất làm muối là 20 năm;

Thời hạn sử dụng đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức do được giao trước ngày 01/01/1999 là 10 năm, sau đó phải chuyển sang thuê đất;
- Thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá hai mươi năm;
- Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm;

Khi hết thời hạn được giao đất, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng.

3.2. Thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm

- Thời hạn sử dụng đất trồng cây lâu năm là 50 năm.

- Thời hạn cho thuê đất trồng cây lâu năm cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm.

3.3. Thời hạn sử dụng đất lâm nghiệp

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất lâm nghiệp từ ngày

15/10/1993 trở về trước thì được tính thống nhất từ ngày 15/10/1993.

- Tổ chức hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp sau ngày 15/10/1993 thì được tính kể từ ngày giao.

Khi hết thời hạn được giao đất, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng.

4. Hạn mức đất nông nghiệp

4.1. Hạn mức đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và làm muối

Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba (03) ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá hai (02) ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương khác.

Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ở ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.
- Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp ở trên.

4.2. Hạn mức đất trồng cây lâu năm

Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá ba mươi héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

4.3. Hạn mức đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng

- Đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 ha

đối với mỗi loại đất.

4.4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều đất

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá năm héc ta.

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm là không quá năm héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá hai mươi lăm héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì tổng hạn mức giao đất rừng sản xuất là không quá hai mươi lăm héc ta.

4.5. Hạn mức đất trống đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định hạn mức giao

đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch nhưng không quá hạn mức giao đất quy định của Luật Đất đai như sau:

- Đất trồng đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá hạn mức giao các loại đất khác.

- Chính phủ quy định cụ thể hạn mức giao đất đối với từng loại đất của từng vùng.

* Đối với trường hợp người sử dụng đất vượt mức hạn điền ở trên thì vẫn được nhà nước cho tiếp tục sử dụng và phải nộp một khoản phụ thu theo quy định của nhà nước. Diện tích vượt quá hạn mức thì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và giải quyết theo hướng sau:
- Nếu diện tích đó là do khai hoang hoặc nhận quyền sử dụng của người khác mà có thì nộp thuế phụ thu vượt hạn mức do ủy ban nhân dân huyện quy định. Hết hạn nhà nước thu hồi đất, nếu nhà nước chưa sử dụng đến thì có thể giao cho họ tiếp tục sử dụng.

- Nếu diện tích do lấn chiếm, đòi lại trái phép thì nhà nước sẽ thu hồi.

- Nếu ở địa phương nào bình quân diện tích đất quá thấp, có nhiều hộ không có hoặc thiếu ruộng thì ủy ban nhân dân xã bàn bạc, thương lượng với những hộ có nhiều diện tích vượt hạn mức để chuyển một phần diện tích đất đso cho những người thiếu đất. Số diện tích này được bồi hoàn theo giá của đất đó.

5. Vấn đề quỹ đất 5% ở xã, đất trồng lúa nước, đất do tổ chức người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài sử dụng

5.1. Đối với quỹ đất 5% (Đất dự phòng công ích)

5.1.1. Sự cần thiết phải có đất dự phòng

Theo quy định của điều 72 luật đất đai thì các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình và quỹ đất ở từng nơi để hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về quỹ đất dự phòng theo mức không chế tối đa không quá 5% quỹ đất nông nghiệp. Với quy định trên nhằm giả quyết tình hình có tính đặc thù của hai miền nam bắc. Trong khi các tỉnh phía bắc có tình trạng để lại quỹ đất vòng 2 chuyển qua đất dự phòng quá mức quy định, có tỉnh để lại 10% hoặc thậm chí đến 20, 25% quỹ đất nông nghiệp. Vì vậy, với quy định trên các tỉnh ở miền bắc cần quán triệt tinh thần chỉ để lại không quá 5% vốn đất nông nghiệp, phần dư ra phải giao cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài. Các tỉnh ở miền nam cần tìm quỹ đất trong đó đặc biệt là đất chưa sử dụng để đáp ứng như cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.

5.1.2. Mục đích để lại quỹ đất dự phòng

* Các quy định cụ thể

Bên cạnh việc Nhà nước quy định chặt chẽ chế độ quản lý đất nông nghiệp giao cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, Nhà nước còn đặc biệt chú trọng quan tâm đến lợi ích lâu dài của cả xã hội, bằng việc quy định chế độ quản lý và sử dụng đất dự phòng (còn gọi là đất sử dụng cho nhu cầu công ích). Việc quy định để lại quỹ đất công ích xã là vấn đề mới, ở đây chúng ta không nên đồng nhất với quan niệm về quỹ đất

5% làm kinh tế phụ cho gia đình trong những năm trước đây. Vậy chúng hiểu thế nàp là đất công ích xã ? Theo chúng tôi đất công ích xã là đất phục vụ cho việc xây dựng các công trình công ích của địa phương. Mục đích của việc để lại đất công ích xã là xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, hệ thống đường giao thông, trạm y tế, trường học, cơ sở văn hóa,... và dùng để bồi hoàn khi quy hoạch nằm ngoài quỹ đất dự phòng.

Một vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Nhà nước quy định để lại quỹ đất công ích xã ? Chúng ta biết rằng ở mỗi địa phương nhu cầu xây dựng cơ sở ha tầng cũng như xây dựng các công trình công ích là rất lớn. Trong lúc Nhà nước chưa đủ sức để đầu tư xây dựng các công trình công ích và công trình cơ sở hạ tầng ở tại các địa phương. Mặt khác Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, cho nên nếu không để lại quỹ đất công ích xã thì khi cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện các chính sách khác sẽ rất khó khăn bởi chúng ta không thể dễ dàng gì để thu hồi lại đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi họ đang sử dụng đất có hiệu quả để sử dụng vào mục đích công ích của địa phương dù rằng việc đền bù có thỏa đáng.

Mặt khác nguồn thu của các địa phương, đặc biệt là các địa phương ở miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa lại càng khó khăn hơn nên không đủ để giải quyết các nhu cầu xây dựng các công trình công ích. Cho nên nếu không có quỹ đất công ích của xã thì việc giải quyết nguồn kinh phí xây dựng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Xung quanh việc để lại quỹ đất công ích của xã có nhiều ý kiến khác nhau về mức đất để lại song đa số các ý kiến thống nhất việc để lại quỹ đất công ích của xã theo như trong Luật Đất đai là hợp lý.

Đối với những xã để quá tỷ lệ theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (những địa phương ở phía Bắc để lại quỹ đất khá nhiều, chiếm tới 15-20%) thì phần đất vượt phải đưa vào quỹ đất để giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Việc quản lý sử dụng quỹ đất công ích của xã được quy định tại Điều 72 luật Đất đai như sau:

- Đất dành cho nhu cầu công ích của cấp xã do ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức quản lý và sử dụng.

- Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình và cá nhân thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tiền thu được chỉ được dùng vào nhu cầu công ích của xã.

- Dùng để xây dựng hoặc đền bù lại đất dùng vào xây dựng các công trình công cộng tại xã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Không được dùng đất cho nhu cầu công ích của xã để giao cho nhân khẩu tăng thêm hàng năm.

5.2. Đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích

Đây là vấn đề mới được Luật đất đai 2003 quy định tại éiều 72 như sau:

- Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
Ðất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

Ðối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
- Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và được sử dụng vào các mục đích khác theo quy định của Chính phủ.

Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

- Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất quản lý sử dụng.

5.3. Đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài sử dụng

Được quy định tại Điều 73 Luật Đất đai như sau:

- Tổ chức kinh tế có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm để thực hiện dự án đầu tư.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm để thực hiện dự án đầu tư.
- Doanh nghiệp nhà nước đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 phải chuyển sang thuê đất hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất.

- Tổ chức được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng không có hiệu quả thì Nhà nước thu hồi đất để giao cho địa phương đưa vào sử dụng theo quy định của Luật đất đai.

6. Các quy định đối với đất lúa nước, đất vườn, đất làm muối

6.1. Đất chuyên trồng lúa nước:

Quy định tại Điều 74 Luật đất đai 2003 như sau:

- Nhà nước có chính sách bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước, hạn chế chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao.

- Người sử dụng đất chuyên trồng lúa nước có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

6.2. Đất vườn:

Hiện nay quan niệm về đất vườn còn rất khác nhau đối với từng vùng trong cả nước. Ở miền Bắc vốn đất vườn thường không lớn, nhiều khi chỉ một khoảnh đất nhỏ cũng gọi là vườn, nhưng các tỉnh thuộc miền núi phái Bắc như Điện Biên, Lai Châu có diện tích bình quân đầu người 50.000 m2 thì đất vườn, rừng nhiều khi là vài quả đồi. Trong khi đó các tỉnh phía Nam thì diện tích đất vườn khá lớn, có khi vài ba ha là chuyện bình thường. Có xã đất vườn nhiều hơn đất lúa, diện tích đất trồng cây ăn quả, đất trồng dừa nhiều khi bao phủ khắp mọi nơi.

Vì vậy cho nên một quy định chung thống nhất mang tính bắt buộc mức đất vườn cho tất cả các vùng trong cả nước là điều khó khăn. Cũng chính vì điều này mà Luật đất đai 2003 đã không còn điều luật nói về đất vườn (Luật đất đai 1993 có quy định riêng tại Điều 46).

Việc sử dụng đất vườn được thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Nhà nước chưa có chính sách về điều chỉnh đất vườn, người đang sử dụng đất vườn vẫn được nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp.
- Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân công dân nhận đất trống, đồi trọc để lập vườn áp dụng các mô hình kinh tế như: nông lâm kết hợp, kinh tế vườn đồi, mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) hoặc mô hình VACRT (vườn, ao, chuồng, rừng rẫy, tiểu thủ công nghiệp)

- Việc lập vườn phải theo quy hoạch và được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tránh tình trạng lập vườn trên đất trồng lúa ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia.

6.3. Đất làm muối

Được quy định tại Điều 81 luaọt ủaỏt ủai 2003 như sau:

- Ðất làm muối được Nhà nước giao, cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sản xuất muối.


Ðất làm muối được Nhà nước giao, cho thuê thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư sản xuất muối.

Ðất làm muối được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư sản xuất muối.

- Những vùng đất làm muối có năng suất, chất lượng cao phải được bảo vệ và ưu tiên cho việc sản xuất muối.

- Nhà nước khuyến khích việc sử dụng những vùng đất có khả năng làm muối để sản xuất muối phục vụ cho nhu cầu công nghiệp và đời sống.

7. Các quy định đối với đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản

7.1. Đối với mặt nước nội địa

Hiện nay, diện tích đất mặt nước có khả năng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản ở nước ta còn khá lớn chiếm tới hàng triệu ha. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vẫn còn thấp.

Điều 78 Luật Đất đai 2003 quy định về đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản như sau:

- Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao, cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao, cho thuê thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

- Ðối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều xã, phường, thị trấn thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định. Ðối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Ðối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì việc sử dụng do Chính phủ quy định.

* Trên phần đất có mặt nước nội địa thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương :

- Bộ Thủy sản quyết định thành lập Ban Quản lý để quản lý, khai thác hồ, đầm thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao đất có mặt nước hồ, đầm thuộc địa phương cho Ban Quản lý.
- Ban Quản lý được giao khoán cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thuỷ sản hoặc kết hợp với du lịch sinh thái.

- Người sử dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thuỷ sản phải bảo vệ môi trường, cảnh quan.

7.2. Đối với mặt nước ven biển

Điều 79 Luật Đất đai 2003 quy định:

- Ðất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối.

Ðất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối.

- Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối theo quy định sau đây:
+ Ðúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;

+ Bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển;

+ Bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan;

+ Không cản trở việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển.

8. Các quy định đối với đất bồi ven sông, ven biển

Quy định tại Ðiều 80 như sau:

- Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi bồi ven sông, đất cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất cù lao trên biển.

- Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó quản lý.

Đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý và bảo vệ theo quy định của Chính phủ.

- Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển chưa sử dụng được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

- Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại.

- Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng.

9. Các quy định về việc sử dụng đất trống đồi núi trọc

Hiện nay đất trống, đồi núi trọc của nước ta còn chiếm một diện tích khá lớn trong tổng quỹ đất. Cả nước có khoảng 13 triệu ha đất thuộc loại này chưa được quy hoạch cụ thể và sử dụng có hiệu quả. Cho nên Nhà nước phải có chính sách thật cởi mở với người sử dụng đất và tạo mọi điều kiện khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào các chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, thực hiện các dư án trồng rừng có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Như vậy, mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu, có khả năng cải tạo đất đai, đầu tư và khai thác vốn đất, có chính sách ưu đãi với họ khi đưa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, trồng rừng.
Đối với người nhận đất trống, đồi núi trọc thì nhà nước ngoài việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp còn cần thiết phải có sự ưu đãi hơn trong việc tính thuế, ví dụ đối với đất khai hoang lần đầu thì trong năm năm đầu có thể miễn thuế hoàn toàn, đất phục hóa miễn thuế trong 3 năm hoặc miễn thuế khi thiên tai, mất mùa. Đặc thù của việc sử dụng đất trống và đồi núi trọc thường là lần đầu được khai phá, điều kiện tự nhiên thường bất lợi, các điều kiện xã hội, y tế, giáo dục thiếu thốn. Cho nên chính sách đất đai phải gắn liền chính sách xã hội. Hơn nữa việc khai phá và sử dụng với diện tích lớn, cho nên Nhà nước cho phép thuê nhân công, tạo điều kiện cho họ được vay vốn để phát triển sản xuất.

Các thủ tục, trình tự về giao đất này phải đơn giản, nhanh chóng nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhận nhiều diện tích và sử dụng có hiệu quả, khuyến khích họ làm giàu thêm trên đất trống, đồi trọc và chỉ thu hồi lại đất này khi thật sự cần thiết cũng như phải bồi hoàn thỏa đáng công sức người lao động bỏ ra.

10. Thẩm quyền giao, cho thuê đất và thu hồi đất nông nghiệp

10.1. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp

Căn cứ vào mục đích sử dụng cũng như các đối tượng được giao đất, được thuê đất,

chuyển mục đích sử dụng đất mà pháp luật đất đai có quy định khác nhau đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại điều 37 luật đất đai 2003 như sau:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất đối với cơ sở tôn giáo; giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư.

- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không được ủy quyền.

10.2. Thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp

Cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì có quyền thu hồi đất./.

1 comment: